Khí theo cửa vào nhà
Nếu từ lúc phân cung điểm hướng ban đầu mà không chú ý bố trí hệ thống cửa (khí khẩu) cho hợp lý thì các điều tốt xấu từ bên ngoài (khí hậu, tiếng ồn, người lạ xâm nhập) sẽ có thể theo hệ thống cửa tác động vào nội khí của ngôi nhà.
Các tác động xấu luôn có sẵn trong môi trường và chỉ cần “sức đề kháng” của ngôi nhà suy yếu hoặc sơ hở là sẽ xâm nhập ngay. Ví dụ hướng nắng chiếu gay gắt hoặc xe cộ bụi bặm thường xuyên thì nên làm bề mặt nhà có mảng đặc nhiều hơn là mảng rỗng, mở cửa hạn chế và tránh mở trực tiếp ra ngoài mà nên có khoảng đệm tạo vùng chuyển tiếp âm dương.
Việc phân bố cửa còn cần chú ý tính chất cát hung của không gian nội thất. Ví dụ cửa phòng vệ sinh mở ngay vào đầu giường ngủ hay mở ra bàn ăn thì sẽ gây ảnh hưởng xấu đến bữa ăn, giấc ngủ. Phòng ngủ nếu có cửa đi ra ban-công thì nên bố trí về phía cuối chân giường.
Đối với các không gian có chức năng sử dụng cố định và phụ thuộc vào hệ thống kỹ thuật như bếp, khu vệ sinh… cửa cũng cần định vị cát hung chuẩn xác. Ví dụ bên cạnh bồn rửa chén rất cần có cửa sổ thoáng, nhưng ngay chỗ nấu bếp mà làm cửa sổ thì gió sẽ lùa vào tạt khói rất bất tiện, chỉ cần cửa sổ trên cao để thoát hơi nóng.
Do nhà phố liền kề nhau thường gây ra hiệu ứng hút gió theo ống dọc, việc mở cửa cần tránh trực xung dẫn truyền trong nội thất. Khi nhà có từ 3 cửa trở lên liên tiếp thẳng hàng nhau thì sẽ hình thành một ống hút khí theo chiều dọc, gió lùa bụi bặm và tầm nhìn từ ngoài xuyên suốt vào trong, vừa mất cân bằng âm dương (vì vùng di chuyển dương nằm về một phía, trong khi vùng còn lại thì bị thuần âm, tối và bí gió). Việc 2 nhà mở cửa đối diện nhau (đối môn) cũng là một dạng gây ra hút gió và thiếu sự riêng tư. Nếu không thể đảo cửa thì nên lấy bình phong (dưới nhiều dạng, như cây cối, mảng tường, mảng gỗ…) là giải pháp che chắn hữu hiệu hơn.