Nhà có nhiều góc vuông, góc xéo phải làm sao ?
Có phải nhà nhiều góc vuông, góc xéo quá sẽ không tốt về phong thủy.
Nhà tôi làm sắp xong phần thô thì nhiều người nói rằng sao có nhiều góc vuông, góc xéo quá sẽ không tốt về phong thuỷ. Tôi xem lại thì thấy đó là những góc tường mà nhà nào cũng phải có, làm sao giấu hết đi được. Có sách tôi đọc nói rằng những góc tường hay cây cột hướng vào phòng sẽ rất xấu khiến tôi đâm ra băn khoăn, không biết nên chỉnh sửa thế nào cho đúng. Nay nhờ quý báo tư vấn giúp tôi giải pháp khắc phục vấn đề này, tôi xin chân thành cảm ơn.
Hồ Văn Sáu
(P. Bình Thuận, Q. 7, TP.HCM)
Trước hết cần xác định rõ về khái niệm góc vuông hay góc xéo trong nhà là tốt xấu về phong thuỷ ra sao. Góc vuông thì rõ ràng là… vuông vức, còn góc xéo thì… xéo góc, hai điều này khác nhau, làm sao có thể đánh đồng với nhau được. Có lẽ vấn đề các gia chủ quan tâm không phải là góc cạnh bao nhiêu độ, vuông hay xéo, mà là việc hiện diện các góc cạnh (lồi hoặc lõm) ảnh hưởng thế nào đến không gian sống và phong thuỷ.
Về mặt cấu trúc xây dựng, nhà cửa xưa nay đều chủ yếu dựa vào bộ khung, dù là cột chịu lực hay tường chịu lực thì cũng ít nhiều có những mảng miếng lồi thụt trong mặt bằng. Nhà phố nhỏ diện tích càng ít thì càng khó giấu bớt được hệ khung đó đã đành, nhưng ngay cả trong biệt thự thoải mái diện tích thì vẫn có nhiều cột hoặc tường lồi thụt, có thể dùng cho mục đích ngăn chia, cũng có thể nằm ở ý đồ thiết kế ngôi nhà theo phong cách nội ngoại thất nào đó, thậm chí có những cây cột khá to chỉ thuần tuý cho mục đích trang trí. Vấn đề là hiểu đúng về góc cạnh và khéo dùng góc cạnh.
ại các góc khuất hay góc nhọn, đặt cây xanh là giải pháp hữu hiệu vừa giảm góc kẹt vừa tăng sinh khí cho nhà.
Tại các góc khuất hay góc nhọn, đặt cây xanh là giải pháp hữu hiệu vừa giảm góc kẹt vừa tăng sinh khí cho nhà.
Đã gọi là góc cạnh thì dù là góc vuông hay góc nhọn đều tiềm ẩn các va chạm trong quá trình sử dụng. Nhiều siêu thị, sân bay, bệnh viện đã phải dùng các thanh nẹp, miếng bo mềm gắn ở góc tường và cột để tránh cho khách va chạm hàng ngày khi qua lại. Sau khi xây dựng hoàn thiện, các góc cạnh có thể tồn tại dưới rất nhiều dạng, từ phần cứng đến phần mềm đồ đạc như bàn ghế, tủ kệ. Về mặt phong thuỷ, góc cạnh nhọn hoặc vuông lồi ra nhiều sẽ làm chuyển hướng dòng khí lưu chuyển trong hoặc ngoài nhà, sinh hoạt không thuận lợi, gây tâm lý bất an. Và ngược lại, những góc khuất hay góc lồi nhưng không tiếp xúc thường xuyên thì không có gì phải lo ngại.
Về mặt tích cực, các góc cạnh tạo thành hình khối, tạo mảng âm dương lồi lõm, bề mặt công trình ít đơn điệu, tạo bóng nắng hay ánh sáng nhân tạo đổ lên các bề mặt phong phú hơn. Nhưng khi các góc cạnh hướng vào không gian sống thì lại gây nên ít nhiều bất lợi về phong thuỷ. Cha ông ta thường có câu kiêng kỵ “góc ao đao đình” là để khuyên khi làm nhà dựng cửa nên tránh các góc nhà, góc ao hồ bên ngoài hướng vào cửa chính của nhà mình. Vì khi xảy ra trường hợp này thì những lối đi lại, luồng gió mạnh nương theo hình khối bên ngoài tác động vào nhà sẽ nhiều hơn, về cảnh quan chung cũng là sự xô lệch bất an hơn. Đi sâu vào phòng ốc, những góc tủ, góc cửa hay góc tường lồi, khi hướng vào vị trí các không gian cần tĩnh (như giường ngủ, bàn làm việc, ghế thư giãn…) sẽ làm không gian lồi thụt thiếu vuông vức, gia chủ cảm thấy dễ va chạm, nhiều ngóc ngách và khó kê xếp đồ đạc được như ý. Để khắc phục các góc cạnh thì cần lưu ý và hình dung ra chúng trước khi xây dựng, bài trí đồ đạc. Nói nôm na là làm cho ngôi nhà trở nên vuông hơn, “mềm” hơn bằng các thủ pháp khác nhau.
Với không gian bên ngoài nhà, khi chọn đất chọn nhà cần lưu ý tránh “góc ao đao đình”, điều này có thể dễ dàng nhận thấy khi ta đứng từ bên trong cuộc đất hay trong nhà nhìn ra ngoài. Công trình hoặc vật thể bên ngoài có góc chĩa vào càng lớn, càng gần thì nguy cơ gây ra xung sát càng cao, càng cần ngôi nhà của mình phải tạo được khoảng lùi, hoặc dùng mảng cây cối che chắn để giảm bớt góc cạnh, sao cho mở cửa ra không thấy các góc đó nữa. Cũng có thể đặt chậu cây lồi ra hoặc dùng gương phản chiếu bên ngoài nhà. Đó có thể là một gương cầu lồi hoặc một tấm kim loại sáng bóng để tạo tác dụng đẩy luồng khí xấu lưu chuyển nhanh ra khỏi nhà mình (theo kinh nghiệm dân gian).
Đối với nội thất, cách xử lý cũng nên quan tâm từ phần thô. Nên nhận thức rằng không phải căn phòng trống vuông vức về phần thô sẽ có lợi, mà phải là căn phòng sau khi bố trí đầy đủ đồ mà trở nên vuông vức thì sẽ tốt hơn, tất nhiên chữ “vuông vức” nên hiểu là các khoảng trống đi lại và giao tiếp, có thể căn phòng méo nhưng phần sinh hoạt vuông là ổn. Muốn vậy thì cần hình dung hết công năng sử dụng, để có thể tính toán các tủ âm hay kệ rời, mua sắm bàn ghế… sao cho tránh được góc lồi vật dụng và cột, tường chĩa vào giường ngủ, vào nơi sinh hoạt hoặc vướng lối đi. Nếu có các góc cạnh không thể tránh thì nên làm “mềm hoá” bằng cách vạt góc tường một chút, bo tròn, xây tường đôi (hai lớp tường gạch) phủ qua cột, làm tủ âm che khuất góc…
Nếu nhà đã cố định khó tác động được vào các phần cứng, thì nên bổ sung các vật trang trí có tính “mềm dịu” như chậu cây kiểng, tượng tròn hoặc bình gốm trước vị trí có góc cạnh nhằm giảm tiếp xúc trực tiếp với điểm va chạm, và làm chậm, làm nhẹ luồng khí lưu chuyển nhanh. Các thiết kế nội thất bằng vách thạch cao uốn lượn, trụ gỗ tròn cũng có hiệu quả đáng kể trong không gian cứng nhắc, tuy nhiên cần có chuyên gia tư vấn cụ thể.
Leave a Reply