Cách hóa giải những điểm xấu trong phong thủy nhà ở
Người xưa cho rằng: “đất tốt, cây cối sẽ xanh tươi; nhà ở tốt sẽ mang vinh hoa cho con người”.
Đối với nhà chung cư, ngoài việc xem xét yếu tố giao thông thuận lợi, cơ sở hạ tầng đồng bộ, có các dịch vụ công cộng tiện ích…, thì cần chú ý đến phong thuỷ của cả toà nhà, chứ không chỉ xem căn hộ đó có phù hợp với bản mệnh hay không. Bởi lẽ, phong thuỷ của toà nhà có ảnh hưởng rất lớn đến phong thuỷ của từng căn hộ.
Nếu phong thuỷ của toà nhà tốt, thì phong thuỷ của từng căn hộ nhìn chung là tốt. Thực tế, mỗi căn hộ trong toà nhà chỉ dung nạp khí của bố cục nhỏ, trong khi toà nhà chiếm cứ một khu đất lớn, nên khả năng hấp tài, nạp phúc của nó cũng lớn. Do đó, nên chọn căn hộ có hướng tốt, hướng của toà nhà cũng là hướng này.
Theo phong thủy phái Bát trạch, hướng của toà nhà hay căn hộ cần phù hợp với mệnh quái của chủ nhà theo nguyên lý “trạch mệnh tương phối”. Cụ thể, người Đông tứ mệnh (Khảm, Ly, Chấn, Tốn) nên chọn nhà Đông tứ trạch (là các hướng Bắc, Nam, Đông, Đông Nam), người Tây tứ mệnh (Càn, Khôn, Cấn, Đoài) nên chọn nhà Tây tứ trạch (là các hướng Tây Bắc, Tây Nam, Đông Bắc, Tây). Riêng hướng Tây, nên có biện pháp hạn chế nắng gắt chiếu trực tiếp, vì loại ánh sáng này rất không tốt cho sức khoẻ.
Còn theo phái Huyền không phi tinh, trong Vận 8 (2004 – 2023), có một số hướng tốt tiêu biểu cho nhà ở của mọi gia đình là hướng Tốn (tức hướng 127,50 – 142,50), hướng Càn (307,50 – 322,50), hướng Hợi (322,50 – 337,50), hướng Tị (142,50 – 157,50), hướng Mùi (202,50 – 217,50), hướng Sửu (22,50 – 37,50). Đây là 6 cách cục “vượng sơn, vượng hướng”, kết hợp với hình thế “toạ sơn, hướng hải”, tức sau lưng có núi, trước mặt có nước, thì đinh (người) và tài (của) đều vượng. Với hình thế trong kiến trúc hiện đại, có thể coi cây cối hay toà nhà là sơn, vùng đất rộng hay đường đi là thuỷ.
Ngoài xem xét phương hướng, thì cần thiết phải xem không gian xung quanh tòa nhà. Tòa nhà phải có bố cục bốn phía đều tốt, phối hợp hợp lý, tầm nhìn rộng, đủ sáng, thông gió, không bị ô nhiễm… Bốn phía đều tốt ở đây được nhấn mạnh là “sau có điểm tựa, trái phải được bao bọc, trước có khoảng không, trong khoảng không có nước”.
Trong những khu vực có nhiều chung cư gần nhau, thì nên chọn chung cư ở giữa, vì bên phải, bên trái đều có nhà được gọi là có hộ pháp bảo vệ, đằng sau có nhà được gọi là có chỗ dựa. Nhà ở gần công viên được đánh giá cao, do có không khí trong lành, phong cảnh đẹp, yên bình, rất thích hợp để cư ngụ.
Bên ngoài cửa sổ, lô gia có thể có những hình sát, cần có biện pháp hoá giải
Việc chọn căn hộ ở tầng lầu nào cũng rất quan trọng. Tầng 1 có ngũ hành thuộc Thuỷ, tầng 2 – Hoả, tầng 3 – Mộc, tầng 4 – Kim, tầng 5 – Thổ (nếu tổng số tầng lớn hơn 5 thì trừ đi 5, rồi lại quy về số tầng như trên). Người tuổi Hợi, Tý có ngũ hành thuộc Thuỷ; Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thuộc Thổ; Dần, Mão thuộc Mộc; Tị, Ngọ thuộc Hoả; Thân, Dậu thuộc Kim. Vì thế, nên chọn tầng lầu có ngũ hành đồng hành hoặc tương sinh cho ngũ hành bản mệnh hoặc ngũ hành bản mệnh khắc được ngũ hành của tầng lầu. Chẳng hạn, người tuổi Hợi có ngũ hành thuộc Thủy, sống ở tầng 1 hoặc 6 thì Thủy của tầng lầu sẽ trợ giúp cho Thủy trong mệnh; sống ở tầng 4 hoặc 9 thì Kim sẽ sinh Thủy trong mệnh; sống ở tầng 2 hoặc 7 thì Thủy trong mệnh khắc được Hỏa của tầng lầu.
Nguyên lý ngũ hành như trên cũng được áp dụng khi xem xét hình dáng, màu sắc của toà nhà hay màu sắc chủ đạo bên trong căn hộ. Về hình dáng toà nhà, hình tròn, vòng cung có ngũ hành là Kim; hình chữ nhật ngang, hình chữ thập, chữ L, T, U có ngũ hành thuộc Mộc; nhà do nhiều hình tròn, hình lượn sóng tạo thành có ngũ hành thuộc Thuỷ; hình vuông, hình dấu thăng, hình chữ I có ngũ hành thuộc Thổ; hình tam giác có ngũ hành thuộc Hoả. Về màu sắc, cần chú ý là phải cân bằng, hài hoà, trong đó thiên về màu bổ sung cho hành khiếm khuyết xét theo mùa sinh của người cư ngụ. Ví dụ, người sinh mùa Xuân thì mệnh thiếu hành Kim, do đó màu trắng nên là màu chủ đạo.
Lưu ý, nếu tòa nhà quá gần sông nước, bể bơi, ánh sáng mặt trời chiếu lên mặt nước bị khúc xạ, sự nhấp nhô của mặt nước khiến ánh sáng nhấp nháy chiếu vào nhà, gây chói mắt, làm cho tinh thần người trong nhà bất an, thiếu tập trung, có thể dẫn tới trì độn. Đáng ngại hơn là trường hợp bị ánh sáng từ mặt kính nhà cao tầng bên cạnh phản xạ, dễ dẫn đến tai họa đổ máu hoặc thương tích do va chạm.
Ở góc độ vật lý, tần suất từ trường của ánh sáng phản quang khác với tần suất từ trường của cơ thể người, nếu ánh sáng quá mạnh sẽ phá vỡ từ trường bình thường của cơ thể người. Mặt khác, lực từ trường được hình thành từ những tia bức xạ của ánh sáng phản quang giống như một bức màn chắn sinh khí tự nhiên, phá vỡ sự ngưng tụ sinh khí trong nhà. Để hóa giải hình sát này, cần thường xuyên đóng cửa, sử dụng kính mờ, che rèm, trồng cây cảnh hoặc treo vật phẩm phong thủy có tác dụng hóa sát bên ngoài, chẳng hạn hồ lô gỗ. Tuy nhiên, việc đóng kín cửa sẽ làm không khí khó lưu thông, thiếu dưỡng khí, có thể làm hỏng phong thuỷ. Trong trường hợp này, cần bật quạt thông gió, đặc biệt là đồ đạc trong phòng phải gọn gàng, sạch sẽ.
Màu sắc chủ đạo trong căn hộ nên là màu có ngũ hành bổ sung cho hành khiếm khuyết xét theo mùa sinh của chủ nhà
Giữa các tòa nhà hoặc phần góc của tòa nhà thường sinh ra luồng khí có hại, thổi thốc thẳng hoặc giật theo phương ngang hay bốc xoáy theo chiều đứng. Theo phong thủy, nhà ở cần tránh nơi có gió thổi mạnh, nhất là không cùng hướng với gió tự nhiên, vì sẽ không tụ được khí (năng lượng). Cũng cần tránh nơi thường xuyên có âm thanh chói tai, âm thanh chấn động, do gần sân bay, ga xe lửa… Đây gọi là “thanh sát”, ảnh hưởng chủ yếu về mặt tinh thần, khiến tâm trạng không bình yên, phiền não, mất tập trung, rất có hại cho sức khỏe. Cách hóa giải hai trường hợp này tương tự như trường hợp “phản quang sát” nêu trên.
Trường hợp tòa nhà hoặc căn hộ gặp phải đường lớn trực xung bị coi là “trực lộ không vong”, chủ về thoái tài. Thậm chí, “một con đường thẳng, một cây thương” – con đường này được ví như cây thương mang sát khí đến cho ngôi nhà. Cụ thể, đường thẳng đâm vào nhà sẽ hình thành một dòng khí thẳng, mạnh, nhanh, phá hoại khí trường xung quanh tòa nhà, phá vỡ thế “tàng phong, tụ khí” của tòa nhà. Tòa nhà hay căn hộ gặp sát này cần treo rèm châu hoặc đặt bình phong. Ngoài ra, kị đối diện với đường phân nhánh (đường hình lưỡi kéo cắt vào nhà) hoặc đường/dòng sông có hình vòng cung ngược. Hóa giải hình sát này bằng cách treo gương bát quái hoặc đặt một đôi kỳ lân để ngăn cản sát khí. Trước nhà có vòng xuyến hoặc con đường, dòng sông cong cong ôm quanh nhà là cát lợi, giúp tụ khí, chủ về tài vận thuận lợi, dễ tích luỹ. Con đường nằm ngang trước mặt cũng rất tốt.
Từ trong tòa nhà hoặc căn hộ nhìn ra mà thấy giữa hai tòa kiến trúc lớn có một không gian nhỏ hẹp, giống như bị một thanh đao chém từ trên xuống thành hai nửa, sẽ khiến tài vận không hanh thông, sức khoẻ kém, nghiêm trọng hơn là hoạ huyết quang. Hóa giải “thiên trảm sát” này bằng cách treo chuông gió, đặt ngựa đồng, tốt nhất là một đôi kỳ lân.
Nhìn chung, những tầng lầu từ tầng 5 trở xuống dễ phạm phải xung sát, cần nhận biết xung sát để tìm cách hoá giải, biến hung thành cát, đón phúc tránh hoạ, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn.
Leave a Reply