Tổng quan về kiến thức phong thủy cho sân vườn
“Mặt tiền” vườn cần phải quang đãng, thoáng, có thể thiết kế hòn non bộ, hồ nước hay dòng nước chảy nhẹ để tạo sinh khí cho gia viên. Phía sau vườn cần đặt vật kiên cố, có nét vững mạnh như đá tảng, cây cao to, cụm tre…
Ông Đinh Quang Diệp, Trưởng Bộ môn Cảnh quan và Kỹ thuật hoa viên, Khoa Môi trường và Tài nguyên, Đại học Nông Lâm TP HCM, cho biết, việc bố trí gia viên theo thuyết phong thủy hiện đại giúp con người xây dựng một cuộc sống hài hòa với thiên nhiên dù ở đô thị hay vùng quê.
Lý luận trong lĩnh vực này chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. “Phong” tức là gió và các tác động của gió, trạng thái thời tiết. “Thủy” là nước, ao, hồ, sông, rạch và tác động của nó đến môi trường. Phong thủy là cách sắp xếp mọi thứ chung quanh để tạo nên môi trường sống hài hòa “âm – dương, ngũ hành”.
Phong thủy sân vườn giúp điều khiển sự lưu thông của khí để sinh khí trong vườn luôn hài hòa và hiện diện trong mọi ngóc ngách của vườn.
Xuất phát từ nguyên lý “sơn thủy họa”, sân vườn cần có sự tương phản giữa các hình sắc, thể chất. Ví dụ: vẻ cứng mạnh, cường tráng của núi đá, non bộ tương phản với ao nước sâu lắng; giữa sự tĩnh mịch và tiếng chim ríu rít, nước róc rách; giữa ánh sáng và bóng tối; giữa sắc đỏ, cam rực rỡ và lục, xanh sẫm.
Nhìn chung một khu vườn lý tưởng cần kết hợp được các vật liệu, màu sắc, hình dạng theo phương hướng ngũ hành. Ví dụ các vật dụng trang trí tượng trưng cho 5 yếu tố như: ao hồ (Thủy), tượng đồng (Kim), cây (Mộc), vật có màu đỏ và cam (Lửa), đất vườn (Thổ). Căn cứ vào bảng tóm tắt các biểu tượng của âm dương sau đây, gia chủ có thể lựa chọn màu sắc, hình dáng của vật trang trí hài hòa:
Bảng tóm tắt màu sắc, biểu tượng của từng “hành”.
Hướng sân vườn:
Là hướng mà chủ nhân ra vào vườn. Ví dụ vườn ở mặt trước nhà thì hướng vườn là hướng từ ngoài đường vào vườn. Trong phong thủy, hướng vườn được xác định trùng với hướng của cung danh vọng (trong bát quái đồ, xem ở hình dưới). Ngoài ra, với các vườn có nhiều lối vào thì hướng vườn được quan niệm là hướng sinh khí có ảnh hưởng nhiều nhất.
Sau khi xác định hướng vườn, đặt bát quái đồ (ảnh phía dưới) lên trên sơ đồ vườn sao cho hướng “cung danh vọng” của bát quái đồ trùng với hướng vườn. Từ đó sẽ xác định được các cung vị còn lại tương ứng với từng lĩnh vực sinh hoạt của gia đình.
Trong trường hợp nhà có 2 khu vườn phía trước và phía sau: Nếu 2 vườn có mối liên hệ với nhau và cùng với nhà là một chỉnh thể thống nhất, đặt bát quái đồ với tâm là tâm khu đất, hướng cung danh vọng trùng với hướng cổng; ngược lại, hai vườn tách biệt nhau thì mỗi vườn được xét riêng biệt.
Bát quát đồ giản lược (trái). Xoay bát quái đồ theo hướng vườn trùng hướng với “cung danh vọng” để xác định cách sắp xếp các khu vực sinh hoạt của gia đình (phải).
Bát quái đồ xoay cung danh vọng theo hướng sân vườn, ta sẽ biết cách sắp xếp bố cục trang trí sân vườn như sau:
– Khu vực cung danh vọng: Đây là nơi lý tưởng để tiếp đãi khách hoặc trồng hoa để tạo ấn tượng. Đừng sử dụng khu vực này vào bất kỳ việc gì riêng tư cần sự yên tĩnh.
– Cung sức khỏe: Là nơi lý tưởng để thư giãn, nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe, nên đặt suối hay vòi nước phun. Tiếng nước róc rách và những loại thảo dược trồng ở đây có tác dụng thư giãn, trị bệnh.
– Cung hoan hỷ: Khu vực vườn này dành cho vui chơi, có thể đặt bàn tiếp đãi bạn bè, hay hồ bơi hồ tắm lộ thiên.
– Cung sự nghiệp: Có thể đặt ở đây nhà kính hay nơi ươm cây tượng trưng cho việc nghiên cứu, hay sự phát triển liên tục các mầm sống mới.
– Cung Quan hệ: Thích hợp trồng các cây lưu niên, hoặc cây ăn quả hoặc là nơi diễn ra các hoạt động chia sẻ, tâm tình với người thân. Điều này tượng trưng cho việc muốn luôn lưu giữ mối quan hệ tốt đẹp với nhau.
– Cung Gia đạo: Với các gia đình có trẻ em, đây là góc thích hợp dành cho bé chơi đùa, có thể là một bãi cỏ rộng với các trò chơi, các tiểu kiến trúc trẻ trung.
– Cung Tri thức: Phần vườn này thích hợp là nơi đọc sách, học hành và các hoạt động phát triển trí tuệ lẫn tâm hồn.
– Cung Tài lộc: Đây là cung mang ý nghĩa thịnh vượng về tiền tài, vật chất, của cải. Có thể đặt nhà kho cất giữ các đồ có giá trị như máy cắt cỏ, đồ gỗ ngoài trời. Có thể là nơi ươm trồng hoa, cây cảnh để bán.
Lối đi và cổng vào vườn:
Nhằm cân bằng không gian trong và ngoài nhà, một khu vườn được xây dựng phía trước như khoảng trung gian quy tụ và cải thiện sinh khí trước khi vào nhà. Lối vào cổng vừa là lối đi chính của khí. Do đó cần tạo sự cuốn hút khí và tạo lối đi cho khí hài hòa, uyển chuyển trong vườn. Tránh lối vào quá thẳng, vì như vậy khí vào vườn quá mạnh, không quân bình luồng khí ở mọi điểm. Hướng lối vào và loại khí nhận được ở mỗi phương có một tính chất khác nhau.
– Hướng Nam (căn cứ vào la bàn): Hướng cát khí, dương khí, tuy nhiên có thể cần tiết chế vì sẽ thừa dương khí. Vì vậy, lối vào vườn cần thông thoáng nhưng không quá rộng tránh khí ùa vào quá nhanh.
– Hướng Bắc: Lối vào vườn từ hướng này cần rộng với lối đi thẳng hoặc hơi cong vì khí đến từ phương này vốn chậm chạp và nặng nề.
– Hướng Tây: Khí đến là khí dữ nên hạn chế sinh khí vào vườn bằng hướng này.
– Hướng Đông: Đây là khí lành nên cần được khuyến khích, lối vào vườn từ hướng này thông thoáng và rộng rãi, cũng cần tiết chế một ít.
Hình dạng của cổng vườn: Nếu quá rộng khí sẽ bị thổi vụt đi mất, nếu quá hẹp khí sẽ trở nên quẩn. Thông thường nên dùng loại cổng song thưa, chỉ nên dùng cổng kiên cố nếu bên ngoài là khí độc hại cần cản trở. Với nhà ở hướng Đông, ứng với hành Mộc, nên dùng cổng gỗ. Nhà ở hướng Tây, ứng với hành Kim, nên dùng cổng kim loại.
Vật liệu lối đi trong vườn có thể thay đổi và sử dụng nhiều loại với màu sắc sáng hay tối tùy thuộc vào tương quan với các thành phần tạo cảnh lân cận.
Một mẫu vườn được thiết kế hài hòa theo nguyên tắc Phong thủy. Ảnh: xaydungkientruc.
Ngoài ra có thể sắp xếp sân vườn theo nguyên tắc Tứ Linh (lấy ngôi nhà làm tâm để xác định 4 hướng còn lại). Bố cục này thực chất dựa vào mô hình cảnh quan lý tưởng nhằm tạo ra môi trường mà trong đó nhà được che chở bốn bề, khí vào nhà luôn được điều tiết và thanh lọc thông qua mô hình: Tiền án (Chu tước) – Hậu chẫm (Hắc quy), Tả Thanh long – Hữu Bạch hổ.
Cụ thể áp dụng nguyên tắc này như sau: người đứng trước cửa nhà, trước mặt là hướng “tiền”, sau lưng là “hậu”, bên tay trái là “tả”, tay phải là “hữu”. Việc bố trí vật ở 4 hướng phải đạt yêu cầu sau:
– Tiền: ở khu này cảnh quan phải quang đãng, thoáng, có thể thiết kế hòn non bộ, hồ nước hay dòng nước chảy nhẹ để tạo sinh khí cho gia viên.
– Tả: Cần thêm đá và cây cỏ um tùm hay đồi thấp Bố trí vật ở bên tả làm sao để cao hơn “Thanh long” trấn được “Bạch hổ”.
– Hữu (Bạch hổ) nên bố trí bằng phẳng để hàng phục tiềm năng bất kham của mãnh hổ.
– Hậu: Cần vật liệu kiên cố, có nét vững mạnh như đá tảng, cây cao to, cụm tre.
Ngoài ra có thể dùng la bàn để xác định hướng: Bắc bố trí vật tương ứng với “hậu”. Hướng Đông tương ứng “tả”. Hướng Tây là “hữu”. Hướng Nam là “tiền”.
Theo Thi Trân (VnExpress)
Leave a Reply