Bố trí cây xanh một cách hài hòa
ưa nay, việc trồng cây xanh luôn được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tăng cường sinh khí cho nhà ở. Cỏ cây tươi nhuận biểu hiện cho sinh khí thịnh vượng, dồi dào.
Dựa vào thiên nhiên khi sắp xếp nhà cửa thông qua dùng cây xanh (Mộc pháp) và mặt nước (Thủy pháp) là cách ứng xử chủ đạo giúp Phong Thủy dương trạch được hài hòa.
* Mộc pháp, từ xa đến gần
Mộc pháp là cách chọn và trồng cây sao cho phù hợp Phong Thủy (từ toàn cục đến chi tiết của nhà ở). Đối với vùng nông thôn hay biệt thự nhà vườn, cây xanh là vành đai ngăn khí độc, giữ khí lành, cùng với mặt nước điều hòa vi khí hậu. Ta có thể thấy mọi thôn xóm làng mạc… xưa nay đều có giải pháp bố cục cơ bản: một là kề cận nguồn nước (sông, ngòi, ao, hồ), hai là lấy rừng cây, lũy tre làm chỗ dựa để giảm các tác động bên ngoài.
Tác dụng về Phong Thủy của cây cối là Tàng Phong Tụ Khí, một mặt ngăn che gió lạnh (đối với Việt Nam là từ các hướng bắc, đông bắc thổi xuống) và tạo bóng râm chống nắng gắt (từ các hướng tây, tây bắc), một mặt lọc bụi và giữ lại hơi nước, không ngăn cản gió lành từ hướng nam, đông nam thổi lên. Do vậy, kinh nghiệm ” trước cau, sau chuối” của ông cha để lại chính là cách trồng cây hợp khí hậu và phương vị, trong đó mối quan hệ giữa ngôi nhà với vườn trước, vườn sau, vườn bên, ao cá… khá chặt chẽ và hài hòa.
Tuy nhiên, dù có đất rộng thì cũng không thể trồng cây tùy tiện lan tràn mà cần tuân thủ theo các quy luật về thực vật và Phong Thủy. Ví dụ không nên trồng cây to rễ rộng trước cửa và sát tường vì rễ gây hỏng nứt tường nhà, đi lại bị va vấp.
Cũng không trồng cây lá rậm rạp trước nhà đầu hướng gió vì che khuất tầm nhìn và gió mát, khi xảy ra hỏa hoạn dễ cháy lan truyền (Mộc sinh Hỏa). Nếu trồng cây làm hàng rào thì thường xén ngang tỉa gọn (như chè tàu, râm bụt), cây thân thẳng dáng đẹp hay kiểng quý thường trồng thành cặp cân đối, tránh đơn độc, nếu theo số lẻ thì thường là nhóm 3 hoặc 5 cây như cau kiểng, thiên tuế. Cây ăn trái không trồng sát nhà vì dễ thu hút sâu bọ.
* Bố trí cây xanh cân bằng Âm Dương
Tùy theo vị trí nhà, cách thức bố cục mặt bằng và cấu trúc nhà (cao hay thấp tầng, rộng hay hẹp) cũng như quan hệ với nhà bên cạnh mà chọn loại cây để trồng cho đúng chỗ.
Cây cối luôn vươn về phía có ánh sáng nên khoảng trống cho cây phải chừa đủ rộng, tránh cây vươn hoàn toàn sang… nhà bên cạnh (do đất nhà mình ít) gây nhiều phiền toái (rụng lá, sâu bọ, hay làm “cầu nối” dễ dàng cho đạo tặc leo trèo).
Tốt nhất là “ăn cây nào rào cây nấy”, nên trồng và mé nhánh tỉa cành sao cho gọn gàng. Thực tế trong đô thị, cây trồng nhà ở đa số là cây tiểu cảnh, dàn leo hay bonsai nên có thểkiểm soát được.
Như vậy khi chọn mua nhà đất, cần quan sát hướng của cây xanh so với nhà mình. Nếu mặt trước nhà nhìn ra hướng nhiều ánh sáng và gió (hướng lân cận nam thuộc Âm) thì cây trồng cần thưa thoáng để tăng tính Dương, như các cây kiểng thấp, cây trồng chậu để dễ di chuyển thay đổi.
Ở hướng tây và tây bắc tốt hơn là chọn cây chịu nắng và làm thêm dàn leo để chắn bức xạ gay gắt. Nhà hướng bắc hoặc đông bắc thì cây trồng nên có lá màu sáng để phản xạ thêm ánh sáng, hoặc lá dày, thân chắc để ngăn gió lạnh (như chuối, bàng, mật cật…).
Về không gian sử dụng, nếu muốn trồng cây tạo bóng mát, làm chỗ nghỉ ngơi thư giãn thì nên chọn các hướng có gió lành kết hợp cây với thảm cỏ. Nếu muốn trồng hoa cảnh – bonsai thì nên bố trí kề cận hàng hiên, hành lang, gần cửa sổ để tiện bề chăm sóc và thưởng ngoạn.
Những cây mang tính trang trí tôn nghiêm như vạn tuế, thiên tuế, trường sinh, bằng phi, kim quít, bách tán… nên đặt tại vị trí trang trọng như trước sảnh, trục chính của nhà, nhưng cần bố trí bồn hay chậu sao cho tránh gây va chạm hàng ngày.
Cây là Dương, đón nhận ánh sáng và hút nước từ đất (Âm Thủy) do đó nhìn cây xem được mạch đất tốt xấu chính là nhờ sự liên hệ Thủy Mộc tương sinh. Cây xanh kề cận mặt nước thường là cây thấp (vườn rau, vườn hoa) hoặc cây thân cao ít rụng lá (như cau, dừa nước).
Thông thường khi nhà có nhiều nét thẳng vuông thì cây xanh, mặt nước nên bố cục uốn lượn mềm mại. Về màu sắc cây cũng nên bổ sung, tương hòa với màu sắc ngôi nhà, ví dụ cây lá màu sẫm nổi bật bên nhà màu sáng, hay nhà vốn sậm màu thì nên bổ sung cây lá sáng để cân bằng lại.
Trong trường hợp cây cối rậm rạp tạo nên nhiều mảng tối thì vào ban đêm cần bổ sung đèn chiếu sáng, đèn pha sân vườn để giảm bớt tính Âm.
* Giảm xung hại nhờ cây xanh – mặt nước
Các yếu tố gây xung hại cho nhà ở rất đa dạng và đôi khi khó nhận biết. Ví dụ một lối vào đâm thẳng cửa chính (trực xung tiền môn), một cạnh tường chéo hay cầu thang đi thẳng ra ngoài cửa… Để khắc phục những xung hại này, đa phần nhờ giải pháp Tọa Hướng (xoay mặt cửa mặt nhà) và che chắn, trong đó che chắn bằng cây xanh là hữu hiệu hơn cả.
Như một cầu thang dẫn ra cửa chính có thể xoay miệng sang bên, dùng cây xanh làm bình phong cản gió và tầm nhìn xuyến thấu. Hoặc cửa cổng thẳng hàng với cửa chính thì có thể giảm bớt trực xung bằng cách đặt chậu kiểng che bên ít di chuyển.
Hồ nước hay bể cá, non bộ trước nhà còn là điểm tụ Thủy và tiểu cảnh thú vị nếu khéo sắp xếp, nên rất được ưa dùng trong nhà ờ có sân vườn. Đối với nhà phố hay chung cư, diện tích và khoảng trống thường không đủ để làm hồ nước rộng và trồng cây lớn mà đặt non bộ trong nhà lại dễ gây ẩm thấp.
Vì thế chỉ nên dùng hồ cá vừa phải, hoặc những cây tiểu cảnh loại nhỏ và mềm để chủ động sắp xếp và không gây va chạm nhiều trong quá trình sử dụng, ví dụ một lu nước thả sen súng.
Khi sắp xếp cây bon sai – non bộ thường tuân thủ theo các thế truyền thống (Tam đa, Tứ linh, Ngũ hành, Phụ tử…) kết hợp với đèn đá, tượng đá để thể hiện biểu tượng vũ trụ quan thu nhỏ của triết học Đông phương chứ không đơn thuần chỉ là trang trí.
Cây cối tươi nhuận biểu hiện sinh khí nơi cư ngụ. Sắp xếp hài hòa cây xanh, mặt nước trong nhà ở chính là giải pháp Phong Thủy hữu hiệu và thân thiện với môi trường, cải tạo tích cực vi khí hậu nơi cư ngụ.
Nguồn: Phong Thuy Tong Hop