Cấu trúc bài trí đồ đạc trong vườn theo phong thủy
Khi chúng ta mở rộng không gian sinh hoạt ra ngoài, những vật dụng trang bị cũng phải được chọn lựa cẩn thận để phản ánh các chức năng đúng theo mục đích khu vườn – để nô đùa, giải trí hay thư giãn – hoặc thể hiện các yêu cầu đặc biệt của chúng ta.
Chúng ta nên áp dụng những nguyên tắc tương tự như đã áp dụng bên trong nhà và các vật dụng sắp đặt ở đây phải đáp ứng được mục đích, phản ánh óc thẩm mỹ và nhất là tạo điều kiện sống và làm việc thoải mái cho chúng ta.
Bàn ghế
Ghế dùng trong vườn nên tuân thủ hình thế Tứ Linh kinh điển, nên có chỗ dựa lưng chắc chắn và có chỗ tì tay. Màu sắc có thể lựa chọn tùy theo sở thích cá nhân nhưng phải chú ý đến yếu tố Ngũ Hành. Tùy theo ý tưởng thiết kế, ghế có thể làm bằng kim loại hoặc gỗ và như vậy sẽ cứng nhưng nhất thiết chúng phải thoải mái và phù hợp với vóc dáng người ngồi.
Bàn nên chọn theo đúng công năng của chúng. Loại bàn vuông thể hiện tính co cụm, thụ động. Một bàn vuông nhỏ đặt bên cạnh chiếc ghế mà chúng ta hay ngồi, trong khu vực yên tĩnh, thường có khuynh hướng giữ chân chúng ta lại và tạo cảm giác ‘lười biếng’, không muốn đứng lên làm việc gì khác.
Bàn tròn được dành cho những cuộc chuyện trò sôi nổi nhưng không muốn kéo dài. Bàn hình chữ nhật có các cạnh tròn thường được dùng trong vườn, đặc biệt trong các buổi tiệc tùng vào mùa hè, mặc dầu những chỗ ngồi ở hai đầu bàn có thể đôi lúc không dùng đến. Loại bàn hình bát giác là thích hợp nhất vì hình dáng của chúng thể hiện điều tốt lành và mỗi người ngồi trong bàn đều có thể tiếp chuyện với những người khác đang ngồi cùng bàn.
Kiến trúc và công trình xây dựng trong vườn
Trong vườn cũng có thể có những công trình xây dựng khác. Địa điểm đặt các công trình này sẽ ảnh hưởng đến công dụng của chúng và tác động lớn đến cấu trúc chung cũng như tính hài hòa của cả khu vườn. Vật liệu được dùng nên hòa hợp với các công trình đang có ở xung quanh và chúng ta cần phải quan tâm đến hình thể và màu sắc nếu muốn duy trì sự cân bằng giữa Âm Dương và Ngũ Hành.
Điều quan trọng là các công trình này phải tương xứng với môi trường và chúng ta duy trì được tính vững vàng ở khu vực “tứ trụ” trong vườn – đông nam, tây nam, tây bắc, đông bắc. Các công trình trong vườn và các kiến trúc mang tính trang trí là phương pháp đắc dụng để đạt được điều này miễn là chúng theo đúng luật Ngũ hành tương sinh.
Ở những nơi chúng ta dùng các công trình này cho các mục đích riêng, chẳng hạn để làm việc, để ươm giống, hoặc nhà xưởng, thì ghế làm việc phải hướng về một trong bốn hướng tốt nhất của chúng ta (đã được đề cập trước đó). Chúng ta nên sắp xếp để chắc chắn lúc ở bàn làm việc, mặt chúng ta nhìn về hướng cửa ra vào.
Nếu không được, cũng nên có biện pháp để chúng ta không bị gây bất ngờ từ phía sau lưng, như dùng một chuông gió hoặc một vật phản chiếu để giúp chúng ta phát hiện những gì diễn ra phía sau. Cẩn thận khi dùng gương soi vì sự phản chiếu ánh sáng từ mặt trời có thể làm chói mắt hoặc thậm chí tạo ra lửa.
Một số công trình xây dựng trong vườn thậm chí chỉ dùng với mục đích trang trí. Những nhà thủy tạ, nhà hóng gió có thể trông hấp dẫn nhưng vào những lúc lộng gió hoặc mưa to thì không là nơi thích hợp để ngồi. Những kiến trúc để hở hai cạnh bên không phải là nơi lý tưởng cho chúng ta thư giãn vì sẽ tạo cảm giác không an toàn.
Tuy nhiên, nếu chọn được vị trí thích hợp, chúng có thể tạo ra cho chúng ta một không gian riêng tư tuyệt vời vào những lúc chúng ta muốn ‘lẩn trốn’ và tìm một nơi thực sự cô quạnh. Nếu nhìn về hướng đông, các nhà hóng gió này là nơi chọn lựa số một để dùng điểm tâm vào mỗi sáng sớm và đón nhận nguồn năng lượng tinh khôi của buổi bình minh. Nếu nhìn về hướng tây, nhà hóng gió sẽ là điểm thú vị để nghỉ ngơi và giủ bỏ những nhọc nhằn của một ngày khi chiều xuống.
Khi đặt cố định các vật trang trí nước phải cẩn thận, đừng để các góc cạnh của chúng bắn “mũi tên độc” vào nhà hoặc các khu vực ngồi trong vườn. Nếu không thể tránh được, chúng ta có thể trồng các loại cây leo để hóa giải chúng hoặc đơn giản là che chúng đi.
Theo Nghệ thuật bài trí nhà cửa theo khoa học Phương đông.