khắc phục những vật cản tầm nhìn cho nhà ở
Hỏi: Tôi có đọc một số sách về phong thuỷ hiện đại thấy rất nhiều “kiêng kỵ” nói về vật cản tầm nhìn trước và chung quanh nhà, ví dụ như mảng màu chói lọi, gương chiếu, đòn tay nhà khác… hướng sang nhà mình.
Nhưng thiết nghĩ trong tình hình nhà cửa ở các khu dân cư cũ trong quá trình chỉnh trang còn lộn xộn như hiện nay, khó có thể tìm kiếm ngôi nhà nào không bị các tình huống xấu như vậy. Nhà tôi cũng vậy, mở cửa ra là thấy đủ thứ vây bủa xung quanh, xin hỏi quý báo cách khắc phục vấn đề này sao cho khoa học và hợp phong thuỷ.
Lê Khánh Giang, P.1, Q. Bình Thạnh, Tp.HCM
Trả lời:
Nguyên tắc chung để khắc phục tình trạng “ô nhiễm thị giác” là hạn chế tầm nhìn về phía có cảnh quan hay vật thể xấu như trụ điện, ống khói, bồn chứa nước hoặc các thiết bị kỹ thuật khác như ăngten, dàn nóng máy lạnh… thường phát ra sóng điện từ, toả nhiệt độ, hoặc phản chiếu ánh sáng làm choá mắt, gây mệt mỏi. Biện pháp đơn giản là dùng cây xanh che bớt, dùng cửa sổ lật hoặc kính mờ, dùng lam chắn nắng… như những “tấm rèm” che chắn cho tầm nhìn từ trong ra, hoặc chỉ nhìn thấy những gì… dễ nhìn mà thôi. Các góc tường của nhà khác hoặc đỉnh mái nhà đối diện khi “đâm” sang nhà mình cũng vậy, có thể dùng mảng hoa tường, dàn cây leo để hạn chế tầm nhìn. Việc này mới nghe qua tưởng chừng như ứng xử thụ động, nhưng thực chất ngay ở các công trình cao ốc tại khu vực có cảnh quan đẹp cũng phải có biện pháp kiểm soát, hạn chế tầm nhìn thông qua cách bố trí cửa và hệ thống lam che ngoài hay rèm che trong. Dĩ nhiên trong điều kiện đô thị đang phát triển, chỉnh trang, đan xen giữa cũ và mới thì khó tránh khỏi những bất cập và lộn xộn về nhiều mặt. Do đó, thái độ “phòng bệnh hơn chữa bệnh” cần quan tâm ngay từ đầu. Không phải vô cớ mà ngôi nhà xưa của cha ông, dù là nhà vườn hay nhà ống buôn bán nơi phố thị đều rất chú trọng việc che chắn, tạo khoảng lùi, hướng nội chứ không hướng ngoại ra mặt tiền nhiều như bây giờ. Khi ngôi nhà “quay” đa phần các khu chức năng và vùng thụ cảm vào trong thì các tác động bên ngoài sẽ ít gây ảnh hưởng nhiều nữa, bao cảnh bên ngoài chưa hoàn hảo như ý thì có thể tạo tiểu cảnh, thiên nhiên thu nhỏ bên trong giếng trời, sân sau.
Vấn đề tiếp theo là tạo sự thoải mái về thị giác cho người cư ngụ, điều mà một số công trình kiến trúc hiện đại đôi khi bỏ quên hoặc có lẫn lộn giữa sự hấp dẫn về thị giác và sự bình an thư thái trong sinh hoạt, trong tầm nhìn. Một ngôi nhà có thể có hình khối hấp dẫn nhìn từ ngoài vào, nhưng người sử dụng bên trong lại không được “hưởng” bao nhiêu. Nhà thiết kế mở mảng kính lớn theo ý đồ tạo hình nhưng gia chủ phải kéo rèm che chắn suốt ngày vì chói gắt hoặc nhìn ra toàn thấy… dây điện! Xem xét vật liệu và màu sắc trong không gian sử dụng là tiền đề cơ bản giúp người cư ngụ cảm thấy dễ chịu, thoải mái hay không. Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, mùa hè là mùa nóng cao điểm nên những gam màu thuộc thuỷ (khắc hoả) và màu tương sinh với thuỷ như kim và mộc luôn đem đến cảm giác thư giãn nhiều hơn. Những sắc độ khác nhau của trắng, từ trắng vàng (tông màu ấm) đến trắng xanh hay trắng phớt tím (tông màu lạnh) đều có thể sử dụng làm màu chủ đạo cho nhà cửa xứ nhiệt đới, đặc biệt là cho nơi thư giãn.
Tiếp theo là những màu thuộc về gam màu xanh biển (thuỷ) và xanh lá cây (mộc) đi kèm theo đường nét uốn lượn, gợn sóng hay vân mây mà nhiều mẫu gạch ốp lát hiện ưa dùng. Có ý kiến cho rằng những màu này dễ làm cho da dẻ trông có vẻ… tái xanh, nhưng thực ra chỉ cần xử lý ánh sáng phù hợp (ánh sáng ấm, chiếu sáng khuếch tán, bổ sung đèn rọi làm điểm nhấn) thì hoàn toàn có thể đem lại cảm giác ấm áp và tươi tắn. Những màu sáng còn mang tính dương, kích thích sự luân chuyển của nội khí, giảm sự trì trệ của tính âm gây ra do những màu tối. Màu xanh dương được y học chứng minh là có tác dụng lắng dịu, trấn an tinh thần, bình ổn huyết áp, còn màu xanh lá cây giúp thần kinh dịu lại và mắt được nghỉ ngơi. Nếu được đặt cùng với màu trắng hay xám (gần với sự thiền định), màu của gỗ và cam nhạt (sức sống và sự duyên dáng) thì hoàn toàn có thể tạo ra một không gian thư giãn hài hoà phong thuỷ.
(Theo SGTT)