Phòng ăn theo phong thủy
Phòng ăn là khu vực giao tế, là nơi gia đình và bạn bè gặp gỡ, chuyện trò và thưởng thức các món ăn ngon với nhau. “Khảnh ăn” và “phàm ăn” là hai hiện tượng ăn uống tiêu biểu cho thói quen ăn uống hiện đại, do vậy phòng ăn cũng đã giảm mất phần quan trọng vốn có của nó.
Đối với người Trung Quốc, phòng ăn là trung tâm của sự sang giàu. Trong một gia đình, nếu nhìn thấy thức ăn được bày ê hề trên bàn – và thường được phản chiếu qua gương như để tăng gấp đôi số lượng – thì đó là dấu hiệu cho thấy tình trạng tài chính vững vàng của gia đình đó.
Màu sắc của phòng ăn nên sáng sủa và gợi sự ngon miệng. Ánh sáng nên chọn cẩn thận, sao cho chúng làm tôn thức ăn lên mà không đổ bóng lên bàn. Đèn cầy có thể tạo sự lãng mạn, dễ thương, nhưng lưu ý là chúng có thể gây cản trở trong lúc gắp hoặc múc thức ăn và có thể gây bực mình nếu chúng quá cao hoặc nhấp nháy.
Hãy cẩn thận với các tranh ảnh treo trong phòng và đồ vật trang trí vì chúng có thể gợi nên những hình ảnh không thích hợp – thí dụ như cảnh săn bắn hoặc một bộ sưu tập các con heo bằng gốm sứ không phù hợp nếu bạn bè của bạn là những người kiêng thịt.
Tranh ảnh thích hợp nhất ở nơi này là tranh về trái cây, phong cảnh mát mẻ, trong lành ngoài trời hoặc tranh về các bữa ăn khác. Nếu dùng gương soi, nên đặt chúng ở vị trí nào mà người ăn không cảm thấy khó chịu.
Ghế nên dùng loại ghế dựa cao, chắc chắn, nên có chỗ để tay, tượng trưng cho thế hỗ trợ Huyền Vũ, Bạch Hổ, Thanh Long.
Vị trí ngồi được xem là rất quan trọng. Những vị trí chính yếu trong phòng nên đặt ở gần tường và nhìn ra phía cửa chính. Vị trí hung hiểm nhất là quay lưng ra cửa chính và kế đó là vị trí ngồi quay lưng ra cửa sổ.
Hình thể của bàn cũng quan trọng không kém và có thể ảnh hưởng đến chất lượng của bữa ăn. Kiểu bàn tròn thường làm cho khách phải ra về sớm vì khí xoay tròn xung quanh họ, trong khi kiểu bàn vuông khiến khí ổn định hơn. Kiểu bàn hình vuông thật khó làm vừa lòng mọi người vì những người ngồi ở hai đầu bàn có khuynh hướng muốn bỏ đi.
Loại bàn có hình thể tốt nhất là hình tám cạnh: không chỉ giúp cho khách thuận lợi chuyện trò qua lại với những người khác ngồi trong bàn mà còn tượng trưng cho Vũ trụ, như đã được phản ánh qua Bát quái đồ.
Ăn uống đủ chất
Gần đây, chúng ta đã chú ý nhiều đến việc cân bằng các loại thực phẩm trong chế độ ăn uống hằng ngày, nhưng thực ra đây không phải là một suy nghĩ mới. Ngay từ thời xa xưa, việc ăn kiêng cũng đã hình thành nên một triết lý riêng tương tự như phong thủy.
Các bữa ăn được tính toán để có sự cân bằng âm-dương và được dựa theo quan niệm về Ngũ Hành. Người ta phân biệt thực phẩm có tính dương và thực phẩm có tính âm. Ngoài ra các vị khác nhau cũng được gán cho một hành riêng thuộc Ngũ Hành.
Chúng ta nên học cách nhận ra các tín hiệu phát ra từ cơ thể và trạng thái tâm lý, đồng thời cũng nên nhận ra rằng chúng ta đang trở nên âm (cảm giác mệt mỏi và chây lười) hoặc dương (tình trạng bất an và bị đè nén).
Chúng ta có thể cân bằng chế độ ăn uống bằng cách điều hòa tỉ lệ giữa các loại thực phẩm có tính âm – như rượu, sô cô la, trái cây có vitamin C, cà phê, đường – và các loại thực phẩm có tính dương – như bơ, trứng, thịt, các loại hạt và muối.
Tính âm và dương được gán cho mỗi hành trong Ngũ hành, và trong các loại dược thảo và các bài thuốc trị bệnh của Trung Quốc, bao gồm cả thực phẩm, đều được khuyến cáo khi sử dụng để giữ cho thân thể được khỏe mạnh và cân đối.
Tại các quốc gia thuộc khu vực Bắc bán cầu (âm) thường có khuynh hướng và nhu cầu tiêu thụ các loại thức ăn nấu chín (dương) trong khi các quốc gia ở Nam bán cầu (dương) lại tiêu thụ nhiều thực phẩm tươi sống hơn. Việc dùng các sản vật tự nhiên theo mùa, nghĩ là “mùa nào thức ấy”, được khuyên là nên áp dụng.
Theo Nghệ thuật bài trí nhà cửa theo khoa học Phương đông.