Rồng – Biểu tựng tâm linh trong đời sống văn hóa Việt Nam

Ty Huu Doc Ngoc

Trong 12 con giáp, là con vật huyền thoại duy nhất nhưng lại có quan hệ gần gũi nhất, ảnh hưởng sâu rộng lâu dài với đời sống văn hóa của nhân dân ta.

Rồng là biểu tượng của những gì kỳ diệu, toàn diện, tốt đẹp, tích cực nhất. Rồng hội tụ đủ yếu tố cơ bản của các lớp động vật; đầu của thú, thân của bò sát, chân của chim, vây của cá…. Rồng ở cả trên trời lẫn dưới nước, bay lượn ẩn hiện trong không gian. Rồng có thể phun mưa, khạc lửa, gây gió bão, tạo sấm chớp cùng nhiều khả năng mầu nhiệm khác. Siêu toàn và nhất nguyên Rồng biểu tượng đồng thời cho cả vũ trụ lẫn nhân thế, cả âm lẫn dương, dung hòa và tổng hợp những thái cực đối lập.

 

7600_rong1

Các vĩ nhân, thần thánh anh hùng… thường được ví sánh với Rồng như Vua đứng đầu xã hội thời xưa cũng được coi là Rồng với tất cả yếu tố liên quan: thân hình Vua gọi là Long thể (mình rồng), bước Vua đi gọi là Long bộ (bước rồng), cửa cung điện nơi Vua ngự gọi là Long môn (cửa rồng), áo Vua mặc gọi là Long bào… Rồng được thành kính thờ cúng ở khắp các nơi như: đình, chùa, đền, miếu và các bàn thờ tổ tiên…

Rồng còn thể hiện trong ngôn ngữ như khí thế vươn lên phát đạt gọi là “Thế rồng”, bộ phận quan trọng nhất gọi là “Đầu rồng”, giải mây đen gây mưa gọi là “Vòi rồng”, chỗ đất cực phúc gọi là “Đất rồng” và “Hàm rồng”. Sinh vật học có con rồng đất (Kỳ nhông), cây sương rồng, nhựa long lão, lá lưỡi rồng… Dược học thì có: Cao ban long (Sừng hiêu nấu), Long nhãn (Cùi nhãn), Long vĩ (Thuốc cầm máu)…

Rồng còn là hiện diện mọi địa danh núi, hồ, vùng đất, biển đảo, ga, chợ, chùa… chẳng hạn như có các địa danh nổi tiếng: Hạ Long (Quảng Ninh), đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Chợ Rồng (Nam Định), Long Biên và Cầu Long Biên (Hà Nội), Long Đọi (Ninh Bình), cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), núi Long Cốt (Quảng Ngãi), Bến Nhà Rồng (Thành phố Hồ Chí Minh), tỉnh Long An, sông Cửu Long (Nam Bộ), Thủ đô Hà Nội với tên đẹp thời vua Lý Công Uẩn là Thăng Long.

Ở Thái Bình có các vùng đất “Long Hưng” (Hưng Hà), có đường Long Hưng (Thành phố Thái Bình), có Cổ Rồng (Vũ Công – Tiền Hải), chùa Vĩ Long (Thái Dương – Thái Thụy), xã Thăng Long (Đông Hưng), trạm bơm Long Bối…

Rồng là đối tượng của câu tục ngữ, ca dao như quy luật di truyền “Trứng rồng lại nở ra rồng”, hình thức sang trọng “Trạm rồng trổ phượng, thêu rồng vẽ phượng, nem rồng chả phượng”, trạng thái vận động đẹp và khoẻ” Ăn như rồng cuốn, uốn như rồng leo”, “đẹp duyên cưỡi rồng”, sự so sánh sang hèn tốt xấu “Rồng đến nhà tôm, đầu rồng đuôi rắn, vẽ rồng nên giun”.

Rồng gắn liền với truyền thống, truyện kể, các đề tài văn học như: Truyền thuyết Lạc Long Quân: ông tổ người Việt là Lạc Long Quân (cha) lấy bà Âu Cơ (mẹ tiên) đẻ ra trăm trứng, nở thành trăm con, 50 người con theo cha xuống biển, 50 người con theo mẹ lên rừng, xây dựng cơ nghiệp mở mang bờ cõi… dần hình thành lên cộng đồng quốc gia Việt. Chúng ta ngày nay tự hào với nguồn cội mình là “Dòng giống tiên rồng”, “Con rồng cháu tiên”. Như câu hát chèo của mẹ Thiên Sĩ trong vở Quan âm Thị Kính “Giống nhà này, giống rồng, giống phượng, giống tiên”… Các điệu múa: “Múa trống rồng”, “Múa rước rồng”. Các buổi trình diễn múa rồng bay, rồng lượn và các trò chơi dân gian như “Rồng rắn lên mây”, các lễ hội “Đua thuyền rồng, rước rồng”…

Rồng nhập hệ can chi 12 con vật, là biểu tượng chi Thìn. Một chi quan trọng với những ý nghĩa triết lý và nhân văn sâu sắc. Giờ Thìn kéo dài từ 7 giờ đến 9 giờ sáng, đó là khoảng thời gian đẹp nhất trong ngày. Tháng con rồng là tháng 3 cuối xuân, cây cối tươi tốt nhất, con người cũng dồi dào sinh lực nhất và tương quan Trời – Đất đạt đến độ hài hoà tối đa. Quan niệm tín ngưỡng cho rằng người tuổi Thìn thường tài giỏi, thành đạt và gặp nhiều may mắn, hạnh phúc trong đời.

Bước sang năm mới – năm Nhâm Thìn, chúng ta là người dân Việt càng hiểu rõ hơn những truyền thống văn hoá gắn với năm con rồng, có những tư liệu để giúp ta hiểu về con rồng trong đời sống văn hoá xã hội Việt Nam.

(Theo báo Thái Bình)

Cùng Danh Mục:

Vat Pham Phong Thuy Facebook Chat